Bệnh

Người lớn có bị bệnh tay chân miệng không?

Đã đăng 28/01/2019

Con gái tôi bị bệnh tay chân miệng nhưng may mắn điều trị sớm nên bé đã gần khỏi. Sau mấy hôm chăm bé thì tôi thấy trong người mệt mỏi, có sốt nhẹ, và mọc những nốt mụn nước ở tay và chân. Tôi thấy mình có các triệu chứng rất giống với con gái nhưng nhẹ hơn. Tôi cứ nghĩ bệnh tay chân miệng chỉ ở trẻ em nên giờ rất hoang mang. Xin bác sĩ giải đáp giúp người lớn có bị tay chân miệng hay không ạ?

Người lớn có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng không? 

Trả lời:

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi. Bệnh do virus đường ruột phổ biến là Coxsackie A và virus Enterovirus 71 (E71) gây ra. Ở giai đoạn đầu của bệnh, bé sẽ mệt mỏi, sốt nhẹ (từ 38 – 39 độ). Sau giai đoạn khởi phát sẽ xuất hiện các nốt ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối và niêm mạc miệng. Những nốt ban này phồng rộp như những bóng nước, chứa dịch khi vỡ ra khiến trẻ đau đớn. Các bóng nước này biến mất sau một hai tuần và có thể để lại vết thâm.

nguoi lon co bi mac benh tay chan mieng khong

Khi bị tay chân miệng, ngoài các nốt ban đỏ, trẻ còn có các dấu hiệu sau:

  • Quấy khóc liên tục, lười ăn, lười bú, chảy nước miếng do vết loét trong miệng khiến bé khó chịu.
  • Hay giật mình, hôt hoảng, chới với, nôn ói nhiều, ngủ không ngon hoặc ngủ nhiều hơn bình thường.
  • Khi bệnh trở nặng, trẻ lừ đừ, run tay chân, tim đập nhanh, mạch nhanh gây biến chứng viêm não, viêm cơ tim hay phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Người lớn thường có hệ miễn dịch tốt hơn nhưng không phải là không có, vẫn có trường hợp người lớn bị tay chân miệng, tuy nhiên triệu chứng nhẹ và ít để lại biến chứng.

Những dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở người lớn bao gồm sốt nhẹ, đau họng, chán ăn và bồn chồn. Sau vài ngày sẽ xuất hiện các mụn nước mọc ở tay, chân, miệng. Các nốt mụn nước rất nhỏ dễ nhầm lẫn với phát ban hay sởi. Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh tay chân miệng có thể ảnh hưởng đến thai nhi nhưng tỷ lệ rất thấp.

Đa số trường hợp có thể điều trị tại nhà mà không cần nhập viện. Tuy nhiên nếu có những triệu chứng là dấu hiệu của biến chứng nguy hiểm như sốt cao trên 39 độ, khó hạ sốt, li bì, nôn ói, khó thở thì cần đến bệnh viện khám ngay.

Người lớn nếu bị tay chân miệng nặng vẫn có thể có các biến chứng vào tim, phổi, viêm màng não nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay chưa ghi nhận ca tử vong nào do người lớn mắc tay chân miệng.

Trong trường hợp của bạn, có thể bạn đã bị lây virus từ con gái mình. Các triệu chứng đều nhẹ nên chỉ cần đến khám và điều trị tại nhà. Nếu phải chăm sóc bệnh nhi mắc tay chân miệng, đây là điều kiện thuận lợi để virus lây lan sang bạn, để phòng tránh bệnh cần thực hiện những điều sau:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi chế biến và ăn uống, trước và sau khi tiếp xúc hay vệ sinh cho trẻ.
  • Vệ sinh môi trường sống, nhà cửa đặc biệt là đồ chơi, các vị trí hay tiếp xúc với tay như vịn cầu thang, tay nắm cửa, mặt bàn…
  • Không sử dụng chung vật dụng ăn uống, không cho trẻ ăn bốc mút, không mớm thức ăn cho trẻ.
  • Uống nhiều nước, bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng
  • Tránh tiếp xúc với dịch mũi, nước bọt và chất thải của người bệnh.

Hy vọng câu trả lời đã giải đáp được thắc mắc của bạn. Bạn hoàn toàn yên tâm với các triệu chứng nhẹ như mô tả thì bạn có thể đến bệnh viện khám, có đơn thuốc của bác sĩ là bạn có thể điều trị tại nhà. Trong quá trình điều trị cố gắng giữ gìn vệ sinh và cách ly với con gái tránh bị lây ngược lại sang cho con. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến tư vấn. Chúc bạn sớm khỏi bệnh.

Tra cứu