Bệnh

Sốt xuất huyết: nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Đã đăng 16/01/2019

Với những nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam thì sốt xuất huyết là một căn bệnh hết sức phổ biến. Đây là một bệnh lý truyền nhiễm hết sức nguy hiểm vì nó có thể gây ra những biến chứng cực kì nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, thậm chí là cả tính mạng.

Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị sốt xuất huyết là điều cần thiết mà bất cứ ai trong chúng ta cũng cần phải trang bị để phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.

sot xuat huyet nguyen nhan trieu chung cach dieu tri

Sốt xuất huyết là bệnh gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Tác nhân truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti hoặc muỗi Aedes albopictus (thường có tỉ lệ thấp hơn).

Các chuyên gia y tế nhận định, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến sức khỏe con người. Trong nhiều năm gần đây, bệnh lý này xảy ra thường xuyên trên diện rộng, ở nhiều nước trên thế giới và gây nhiều biến chứng đặc biệt nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết thường tăng nhiều vào các tháng mùa mưa, có nhiệt độ trung bình cao. Ở Việt Nam, khu vực miền nam và miền trung bệnh xuất hiện quanh năm, ở miền bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11.

Nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết ?

Bệnh sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh mà nó chủ yếu do virus Dengue từ cơ thể loài muỗi Aedes aegypti gây nên.

 Chu kỳ lây nhiễm do loài muỗi này gây ra chủ yếu theo quá trình sau:

– Đầu tiên muỗi cái Aedes hút máu bệnh nhân nhiễm virus Dengue

– Virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi từ 8 – 11 ngày

– Trong thời gian đó, khi loài muỗi đốt những người lành khác thì sẽ truyền virus Dengue vào cơ thể họ.

– Vòng tuần hoàn này tiếp tục lặp đi lặp lại khiến sốt xuất huyết dễ bùng phát thành dịch bệnh.

Như vậy, việc tiếp xúc trực tiếp giữa người khỏe mạnh và người bệnh sốt xuất huyết không làm lây bệnh. Thủ phạm lây truyền và có thể tạo thành dịch bệnh là muỗi Aedes, có màu đen, thân và chân có những đốm trắng (thường được gọi là muỗi vằn).

Dấu hiệu, triệu chứng nhận biết sốt xuất huyết

Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết khá rõ ràng, rất dễ để nhận biết. Tuy nhiên chugs thường bị nhầm lẫn với những tình trạng sốt được gây ra bởi những nguyên nhân khác như sốt virut hay sốt viêm họng…

Theo các chuyên gia y tế, ở giai đoạn đầu khi mới mắc bệnh, chúng ta có thể phát hiện bệnh sốt xuất huyết Dengue thông qua các triệu chứng như:

dau hieu benh sot xuat huyet

– Sốt cao đột ngột (39-40oC), kéo dài liên tục từ 5-7 ngày

– Nhức đầu

– Chán ăn

– Buồn nôn

– Đau sau hốc mắt

– Đau cơ

– Đau khớp

– Da xung huyết, có thể có chấm xuất huyết dưới da

– Chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam

Khi bệnh diễn tiến nặng hơn, ngoài những biểu hiện trên, bệnh nhân còn xuất hiện thêm những vấn đề sau:

– Cơ thể mệt mỏi, đau nhức vật vã, li bì, lừ đừ…

– Đau bụng do gan to

– Nôn nhiều

– Xuất huyết niêm mạc

– Tiểu ít

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm như:

– Sốc

– Tràn dịch màng phổi

– Rối loạn nguyên tố đông máu như: chảy máu cam, rong kinh, sốt xuất huyết dạ dày, đường tiêu hóa…

– Gây tử vong, ảnh hưởng đến tính mạng

Chính vì vậy, bất cứ ai trong chúng ta đều phải nắm chắc các triệu chứng và đặc điểm nhận biết bệnh sốt xuất huyết để tiến hành chuẩn đoán bệnh chính xác và điều trị kịp thời.

Chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị sốt xuất huyết, các bạn hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất đề kiểm tra. Thông qua các xét nghiệm và hình thức kiểm tra khác, bác sĩ sẽ xác định được người bệnh có bị sốt xuất huyết hay không.

– Xét nghiệm:

+ Bạch cầu giảm

+ Tiểu cầu giảm <100.000/mm3 (tiểu cầu càng giảm thì nguy cơ xuất huyết càng cao).

+  Thể tích khối hồng cầu (HCT) tăng>20% so với giá trị bình thường của bệnh nhân trước đó, hoặc HCT >45% nếu không biết giá trị bình thường bệnh nhân trước đó.

+  Xét nghiệm chức năng gan, thận, điện giải đồ, khí máu: Giúp đánh giá mức độ bệnh.

+ Xét nghiệm dengue fever IgM; IgG: NS1 có thể chẩn đoán sớm sốt xuất huyết dengue từ ngày đầu tiên của sốt.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số dịch vụ chẩn đoán hình ảnh khác như:

+ Siêu âm ổ bụng.

+  Chụp X quang tim phổi để đánh giá mức độ bệnh, tìm biến chứng tràn dịch ổ bụng và tràn dịch màng phổi.

Phương pháp điều trị sốt xuất huyết?

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, người bệnh khi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết, căn cứ vào diễn tiến của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định nên điều trị tại nhà hay ở lại cơ sở y tế để theo dõi.

Thông thường với những trường hợp nhẹ, người bệnh chỉ cần điều trị bệnh tại nhà. Mục đích điều trị của những trường hợp này là giúp hạ sốt và ngăn chặn các biến chứng có thể xảy ra.

Các bạn cần lưu ý nghe kỹ và làm đúng lời dặn của bác sĩ về cách chăm sóc và theo dõi tại nhà để hỗ trợ khắc phục bệnh nhanh cũng như phát hiện sớm khi bệnh có dấu hiệu chuyển nặng.

cach phong tranh va dieu tri sot xuat huyet

Trong thời gian chữa trị ngoại trú, người bị sốt xuất huyết cũng cần chú ý những vấn đề sau:

– Nghỉ ngơi đầy đủ

– Chườm ấm khi có dấu hiệu sốt

– Ăn thức ăn lỏng, chất mềm

– Uống nước cam bổ sung vitamin, Orizon điện giải…

– Với những trường hợp bạch cầu giảm, người bệnh cần được vệ sinh cá nhân, lưỡi, miệng, mũi họng bằng nước muối.

– Khi có dấu hiệu chảy máu chân răng thì hãy dùng gạc vô khuẩn để vệ sinh răng miệng chứ không nên đánh răng gây chảy máu.

– Không sử dụng tất cả các thuốc hạ sốt không phải là paracetamol; không cần thiết phải uống thuốc kháng sinh.

Đối với những trường hợp nặng, bệnh sốt xuất huyết gây sốc hoặc chảy máu thì cần phải đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.

Cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết

Để phòng và chống lại bệnh sốt xuất huyết, chúng ta cần loại bỏ tác nhận chính gây ra bệnh lý này, đó chính là muỗi Aedes aegypti và phòng chống bị muỗi đốt trong những đợt dịch bệnh bùng phát.

Các bạn có thể diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy bằng những cách sau:

– Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng;

– Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…);

– Lau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ thường xuyên;

– Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ…,

– Dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

– Phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Để phòng tránh bị muỗi đốt, hãy lưu ý:

– Mặc quần áo dài tay;

– Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày;

– Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, vợt điện diệt muỗi, kem đuổi muỗi…

– Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi trong thời gian dịch bệnh

– Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

Mong rằng với những thông tin mà chúng tôi vừa cung cấp trên đây đã phần nào giúp các bạn hiểu hơn về bệnh sốt xuất huyết, qua đó có biện pháp phòng tránh cũng như chữa trị hiệu quả.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, mặc dù là một căn bệnh khá phổ biến nhưng những ảnh hưởng mà bệnh sốt xuất huyết có thể gây ra là vô cùng nghiêm trọng. Do đó, bản thân mỗi người nên nâng cao ý thức phòng tránh căn bệnh này để giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân và của cả cộng đồng. Và đừng quên tham khảo thêm những thông tin Sống Khỏe khác tại đây

Chúc bạn sức khỏe !

Tra cứu