Bệnh

Xoắn tinh hoàn ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?

Đã đăng 10/05/2023

Xoắn tinh hoàn ở trẻ em là một cấp cứu ngoại khoa cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh những biến chứng nghiêm trọng như hoại tử tinh hoàn hoặc teo tinh hoàn với tỷ lệ 68%. Xoắn tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ từ 10 – 14 tuổi.

Xoắn tinh hoàn là gì?

Xoắn tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến đau tinh hoàn và gây sưng. Nếu để tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn và các mô xung quanh. Do đó, bệnh nhân cần được phẫu thuật cấp cứu trong vài giờ đầu. Nếu để quá muộn, tinh hoàn có thể bị tổn thương vĩnh viễn, phải cắt bỏ tinh hoàn, từ đó ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.

Xoắn tinh hoàn thường xảy ra khi tinh hoàn chưa cố định ở túi bìu và di chuyển bất thường, đặc biệt khi tinh hoàn nằm trong ống phúc tinh mạc. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra và tự tháo nhiều lần.

xoan-tinh-hoan-o-tre-em

Có 3 loại xoắn tinh hoàn:

  • Xoắn cả bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn và mào tinh: Loại xoắn này gặp là chủ yếu;
  • Xoắn tinh hoàn đơn thuần: Khi có sự bất thường về cố định mào tinh – tinh hoàn và có một mạc treo giữa mào tinh với tinh hoàn, tinh hoàn có thể bị xoắn quanh mạc treo. Loại xoắn này ít gặp hơn;
  • Xoắn phần phụ của mào tinh – tinh hoàn: Loại này cũng ít gặp và triệu chứng lâm sàng không nặng nề như hai loại trên.

Triệu chứng xoắn tinh hoàn ở trẻ em

Bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh có các biểu hiện như: trẻ sinh ra đã thấy tinh hoàn to, không đau, sờ thấy rắn đều, da ở bìu đỏ sẫm hoặc nhợt, mất nếp nhăn. Ở một số trường hợp, một bên bìu rỗng do tinh hoàn bị xoắn đã tiêu đi từ trước. Với trẻ sơ sinh và bú mẹ chưa tự xác định được vị trí đau thì có biểu hiện quấy khóc nhiều. Sốt có thể xảy ra sau khi tinh hoàn bị xoắn vài giờ.

Ở trẻ lớn hơn, xoắn tinh hoàn có các biểu hiện cấp tính như đau dữ dội một bên bìu, lan lên vùng bẹn hoặc cả vùng chậu, kèm buồn nôn hoặc nôn. Đặc điểm đáng chú ý nữa là bìu và ống bẹn sưng to, phù nề, đau. Nếu thời gian bị bệnh lâu thì da có thể có màu đỏ, nắn vào tinh hoàn bệnh nhân đau và đau khi nắn dọc theo ống bẹn.

Nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn ở trẻ em

Hiện nay, chưa tìm được nguyên nhân chính xác của bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ em. Một trong những yếu tố có thể dẫn đến hiện tượng này là do sự chuyển đổi đột ngột nội tiết tố trong cơ thể khi bước vào lứa tuổi dậy thì.

Bên cạnh đó, tinh hoàn quá di động cũng có thể là yếu tố nguy cơ. Trong thời kỳ bào thai, tinh hoàn nằm trong ở bụng. Trong quá trình phát triển, tinh hoàn di chuyển dần vào trong túi bi đôi, kéo theo mạch máu nuôi dưỡng nó và các thành phần liên quan. Điều này khiến cho tinh hoàn được treo lủng lẳng trong túi bi đôi, dễ bị xoắn hơn. Dần về sau tinh hoàn sẽ càng được cố định vững chắc hơn. Đây cũng là lý do giải thích tại sao xoắn tinh hoàn thường xảy ra nhiều ở trẻ em và lứa tuổi dậy thì.

xoan-tinh-hoan-o-tre-em

Biến chứng của xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn có thể gây ra hậu quả nặng nề nếu không được điều trị kịp thời. Tinh hoàn bị xoắn làm cho mạch máu bị nghẽn nên tinh hoàn không được nuôi dưỡng, rất dễ tổn thương. Nếu chậm được chẩn đoán và điều trị, tinh hoàn có thể bị hoại tử thành mủ hoặc hoàn toàn teo đi trong vài tháng, dẫn đến nguy cơ vô sinh ở nam giới, đặc biệt là trường hợp thừng tinh 2 bên tinh hoàn đều bị xoắn…

Thời gian vàng điều trị bệnh xoắn tinh hoàn chỉ gồm 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Vì vậy, bệnh nhân cần được phẫu thuật can thiệp kịp thời.

Để phát hiện kịp thời xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh, bố mẹ cần kiểm tra túi bi đôi của bé thường xuyên. Nếu thấy túi bi đôi thỉnh thoảng bị trống chỉ có một bên thì cha mẹ cần phải đưa đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều kịp thời.

Tra cứu